I. GIỚI THIỆU VỀ CHƯƠNG TRÌNH
Trong bối cảnh hiện nay khi nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt và được thay thế bằng nguồn Năng lượng tái tạo (NLTT), bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, địa nhiệt, hydrogen…, thì nguồn năng lượng này trở thành một trong những vấn đề rất được quan tâm trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Tại Việt Nam, do sở hữu đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên có điều kiện đa dạng, dồi dào cho khai thác, sản xuất điện gió, điện mặt trời, nhiên liệu sinh học. Do vậy, trong Chiến lược Phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, năng lượng tái tạo được xác định là là một trong ba lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt ưu tiên (Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quyết định số 428/TTg ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VIII); Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 – 20% vào năm 2030; 25 – 30% vào năm 2045).
Nắm bắt được xu hướng đó, Đại học Giao thông vận tải TP.HCM (UTH) đã mở mới chuyên ngành Năng lượng tái tạo (NLTT) với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có khả năng làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ/thiết bị, đáp ứng chiến lược phát triển nền công nghiệp NLTT.
Người học sẽ được cung cấp những kiến thức cập nhật về kỹ thuật điện, các công nghệ và kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực NLTT, đồng thời thời trang bị các kiến thức trong việc quản lý và sử dụng các nguồn năng lượng một cách hiệu quả.
Ngoài ra, sinh viên cũng làm chủ được các công nghệ truyền thông, Internet vạn vật và điều khiển thông minh trong lĩnh vực phát, truyền tải, phân phối và quản lý điện năng.
Với định hướng đào tạo ứng dụng, trong suốt thời gian học tập tại trường, sinh viên sẽ có rất nhiều cơ hội tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên môn, được tiếp cận với các dự án NLTT thông qua hoạt động thực tế, điều này sẽ giúp sinh viên tiếp cận sớm môi trường việc làm, định hướng vị trí nghề nghiệp sau khi ra trường.
Bên cạnh đó, UTH là môi trường năng động, rất nhiều các câu lạc bộ sinh viên trong các lĩnh vực học thuật, nghiên cứu khoa học, âm nhạc, thể thao, văn hóa là nơi sinh viên phát huy tốt thế mạnh, sức sáng tạo của bản thân.
II. TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGÀNH NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành NLTT thay thế dần cho năng lượng sử dụng hóa thạch đang diễn ra tại các quốc gia dẫn đầu nền kinh tế thế giới, càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế phải gắn liền với việc phát triển năng lượng bền vững, an toàn.
Lộ trình phát triển NLTT của Việt Nam, ngay từ rất sớm, nhận thấy tầm quan trọng hàng đầu của NLTT, Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm tới phát triển NLTT một cách xuyên suốt từ Nghị quyết Đại hội lần IX của Đảng năm 2001.
Cơ cấu nguồn phát điện trên thế giới đang trải qua quá trình chuyển biến tích cực, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, yêu cầu cắt giảm việc sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đang ngày càng được chú trọng. Bởi vậy, những giải pháp phát điện công nghệ cao và thông minh, nâng cao hiệu quả truyền tải và tiêu thụ điện cũng như việc đẩy mạnh sử dụng các nguồn NLTT nhằm thay thế cho nguồn nhiên liệu hoá thạch (nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu) là rất cần thiết. Yêu cầu đó đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao (kỹ sư, nhà nghiên cứu, v.v) có kiến thức và kỹ năng vững vàng trong lĩnh vực điện và năng lượng.
Đại học Giao thông vận tải TP.HCM là điểm đến rất phù hợp trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu này với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, các chuyên gia có trình độ cao về điện và NLTT.
III. VỊ TRÍ VIỆC LÀM CỦA SINH VIÊN CHUYÊN NGÀNH NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO SAU KHI RA TRƯỜNG
Chương trình đào tạo NLTT trang bị cho sinh viên những năng lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đang rất đa dạng. Sinh viên có thể làm việc tại các công ty, nhà máy các cơ quan quản lý nhà nước, trường viện nghiên cứu với các vị trí làm việc phù hợp với chuyên môn:
- Kỹ sư phân tích, thiết kế các nhà máy điện Năng lượng tái tạo từ nhỏ đến tầm cỡ Quốc tế.
- Kỹ sư giám sát, thi công các công trình, nhà máy điện Năng lượng tái tạo.
- Kỹ sư vận hành khai thác, bảo trì các máy móc, các nhà máy điện Năng lượng tái tạo.
- Điều độ viên Hệ thống điện quốc gia tại các nhà máy phát điện hoặc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, điều độ miền.
- Cán bộ quản lý tại các công ty, các cơ quan quản lý Nhà nước bộ ngành về Năng lượng Tái tạo.
- Chuyên gia thiết kế tại những công ty tư vấn thiết kế điện, các nhà máy nhiệt điện, điện gió, thủy điện, điện mặt trời; các doanh nghiệp của Nhà nước về quy chuẩn an toàn điện của Bộ xây dựng, Bộ công thương,…
- Chuyên gia nghiên cứu, chế tạo các thiết bị chuyển hóa năng lượng trong các viện nghiên cứu và các tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực Năng lượng tái tạo như Siemens, ABB,…
- Tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại những trường đại học, những viện nghiên cứu trong lĩnh vực hệ thống điện và năng lượng tái tạo.
- Cán bộ vận hành tại các trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, điều độ miền, các nhà máy điện, các công ty điện lực tỉnh/thành phố, các dự án điện mặt trời, điện gió;
- Cán bộ thiết kế tại các công ty tư vấn thiết kế điện, xây lắp điện, các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện gió, điện mặt trời; các doanh nghiệp nhà nước phụ trách quy chuẩn an toàn điện thuộc Bộ công thương, Bộ xây dựng;
- Các công ty thiết kế, nghiên cứu các giải pháp về lưới điện thông minh, tự động hóa hệ thống điện;
- Cán bộ nghiên cứu, thiết kế, vận hành tại các tập đoàn trong và ngoài nước trong lĩnh vực hệ thống điện và NLTT;
- Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, các viện nghiên cứu.
Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành NLTT của UTH cũng có thể tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi bằng cấp sang các ngành lân cận, hoặc học lên bậc cao hơn trong ngành năng lượng và các ngành khác thuộc khối ngành kỹ thuật, như chương trình Thạc sĩ ngành Kỹ thuật điện ngay tại UTH.
Ngoài ra, sinh viên còn có nhiều cơ hội nhận được học bổng toàn phần chương trình đào tạo lĩnh vực Năng lượng tại Pháp, Nga, Thái Lan và một số nước khác.
IV. NHU CẦU VIỆC LÀM LĨNH VỰC NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO NHƯ THẾ NÀO?
Với sự phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa kinh tế, nhu cầu năng lượng được dự đoán sẽ tăng trên 8% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030. Nhu cầu dự kiến sẽ tăng từ 265-278 TWh vào năm 2020 lên 572-632 TWh vào năm 2030.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Việt Nam cần 60.000MW điện vào năm 2020, 96.500MW vào năm 2025 và 129.500MW vào năm 2030. Để đạt được con số này, Việt Nam cần tăng công suất lắp đặt thêm 6.000MW – 7.000MW hàng năm và chi gần 148 tỷ USD vào năm 2030.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn NLTT khoảng 58 tỷ kWh vào năm 2015 lên 101 tỷ kWh vào năm 2020 và 186 tỷ kWh vào năm 2030. Theo kịch bản Phát triển năng lượng bền vững tối ưu (ASES), ngành NLTT của Việt Nam có thể tạo ra hơn 700.000 việc làm mới liên quan đến lĩnh vực này trong thời gian tới.
V. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Chương trình đào tạo bao gồm 120 tín chỉ (29 tín chỉ Kiến thức Giáo dục Đại cương và 91 tín chỉ Kiến thức Giáo dục Chuyên nghiệp) được phân bổ thành 8 học kỳ (01 học kỳ thực tập và làm Luận văn tốt nghiệp) và được thiết kế theo hướng sát với các công việc thực tế nhằm giúp cho người học có được một nền tảng kiến thức vững chắc và sâu rộng về nhiều lĩnh vực liên quan đến Năng lượng nói chung và NLTT nói riêng.
Các kiến thức được trang bị trong quá trình học:
Sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức: Lý thuyết mạch điện – điện tử; Hệ thống cung cấp điện cho tòa nhà, nhà máy công nghiệp; Quy hoạch và thiết kế hệ thống điện; Phân tích và điều khiển hệ thống điện; Thiết kế, vận hành các nhà máy điện và trạm biến áp; Tự động hóa hệ thống điện; Tích hợp các nguồn NLTT (năng lượng gió, mặt trời…) vào hệ thống điện; Thị trường điện; Lưới điện thông minh (Micro Grid, Smart Grid).
Kỹ năng đạt được sau khi tốt nghiệp:
- Tính toán, điều khiển hệ thống điện quốc gia, các miền, vận hành thị trường điện
- Tư vấn, thiết kế lưới điện, nhà máy điện và trạm biến áp; các hệ thống điện gió, điện mặt trời
- Quản lý, vận hành và bảo dưỡng lưới điện, nhà máy điện, trạm biến áp, các hệ thống điện gió và điện mặt trời
- Thiết kế, quản lý, vận hành hệ thống điện trong các tòa nhà cao tầng, nhà máy công nghiệp;
- Quản lý, giám sát, thi công xây lắp các công trình điện, các dự án điện NLTT
- Nghiên cứu phát triển lưới điện thông minh; hệ thống giám sát và điều khiển hiện đại
- Nhận thức tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp và tác phong làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực NLTT
- Phân tích, giải thích và lập luận giải quyết các vấn đề NLTT
- Thực nghiệm và khám phá tri thức các vấn đề NLTT
- Khả năng tư duy và suy nghĩ hệ thống đến các vấn đề NLTT
- Thực hiện thành thạo các kỹ năng nghề trong lĩnh vực NLTT
- Kỹ năng về Tin học chuyên ngành, phần mềm chuyên ngành trong lĩnh vực NLTT
- Kỹ năng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu chuyên ngành và hội nhập quốc tế
Khoa Điện-Điện tử viễn thông tham quan, làm việc tại Tập đoàn Trung Nam (tỉnh Ninh Thuận)
VI. CHUYÊN NGÀNH NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO THI KHỐI NÀO VÀ PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC GTVT TP HỒ CHÍ MINH RA SAO?
Năm 2022, UTH sẽ tuyển sinh chuyên ngành Năng lượng tái tạo theo nhiều phương thức khác nhau. Thông tin chi tiết các bạn có thể xem tại:
https://tuyensinh.ut.edu.vn/thong-bao-tuyen-sinh/tuyen-sinh-trinh-do-dai-hoc-chinh-quy-nam-2022/