Điều khiển & Tự động hóa

NGHIÊN CỨU SINH ĐIỀU KHIỂN & TỰ ĐỘNG HÓA

  1. Mục tiêu đào tạo

1.1. Mục tiêu chung

Đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành “Tự động hoá’’ nhằm trang bị cho nghiên cứu sinh:

  • Có trình độ đủ rộng và chuyên môn sâu về lĩnh vực Tự động hoá;
  • Nắm bắt các xu thế phát triển về Tự động hoá, có khả năng tiếp cận và giải quyết các vấn đề kỹ thuật chuyên ngành;
  • Sau khi kết thúc khóa đào tạo, các tiến sĩ có khả năng độc lập sáng tạo, chủ động nắm bắt công nghệ, nghiên cứu ứng dụng các Tự động hoá trong khoa học và đời sống;
  • Các luận án được đưa ra bảo vệ phải có các bài báo được công bố trên các tạp chí Khoa học công nghệ, trong đó tối thiểu có 01 bài báo đăng trên tạp chí Khoa học công nghệ quốc tế (có chỉ số ISI)

1.2. Mục tiêu cụ thể

Chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Tự động hoá phải đảm bảo cho nghiên cứu sinh nâng cao và hoàn chỉnh kiến thức cơ bản, có hiểu biết sâu rộng lý thuyết về kiến thức chuyên ngành Tự động hoá, có đủ năng lực độc lập trong nghiên cứu khoa học và hướng dẫn nghiên cứu khoa học, có khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề mới trong hoạt động khoa học – công nghệ chuyên ngành Tự động hoá; tạo cho Nghiên cứu sinh khả năng:

  • Cập nhập các kiến thức chuyên sâu, hiểu biết về xu thế phát triển của các hướng nghiên cứu về công nghệ các ứng dụng mới của vật liệu và các công nghệ có liên quan;
  • Khả năng phát hiện và giải quyết được những vấn đề mới có ý nghĩa về khoa học, công nghệ, và hướng dẫn nghiên cứu khoa học;
  • Khả năng làm chủ và sáng tạo các quy trình công nghệ về Tự động hoá;
  • Rèn luyện kỹ năng xử lý, phân tích và có khả năng công bố, trao đổi các kết quả khoa học ở trên các tạ p chí khoa học trong nước và quốc tế.
  • Nâng cao kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và triển khai các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn
  1. Thời gian đào tạo
  • Đối với các Nghiên cứu sinh tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành thời gian đào tạo là: 04 năm tập trung liên tục;
  • Đối với các Nghiên cứu sinh tốt nghiệp thạc sỹ đúng chuyên ngành thời gian đào tạo là: 03 năm tập trung liên tục;
  • Trường hợp đặc biệt nếu các Nghiên cứu sinh không theo học tập trung liên tục thì có thể đăng ký học theo từng đợt song tổng thời gian tập trung học phải bằng 4 năm (với các Nghiên cứu sinh tốt nghiệp đại học) và 3 năm (với các Nghiên cứu sinh tốt nghiệp thạc sỹ) trong đó có 12 tháng cuối phải tập trung liên tục.
  1. Cấu trúc của chương trình đào tạo

3.1. Phần 1: Các học phần bổ xung

Các học phần bổ sung là các học phần giúp nghiên cứu sinh có đủ kiến thức và trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ của nghiên cứu sinh.

  • Đối với nghiên cứu sinh chưa có bằng thạc sĩ, ngành tốt nghiệp đại học đúng với chuyên ngành Tự động hoá: các học phần bổ sung bao gồm các học phần ở trình độ thạc sĩ thuộc chuyên ngành Tự động hoá của trường Đại học giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh năm 2011.
  • Đối với nghiên cứu sinh đã có bằng thạc sĩ nhưng ở chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành Tự động hoá, hoặc có bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành nhưng tốt nghiệp đã trên 6 năm hoặc do cơ sở đào tạo khác cấp thì trên cơ sở đối chiếu với chương trình đào tạo hiện tại, trường sẽ yêu cầu nghiên cứu sinh học bổ sung các học phần cần thiết theo yêu cầu của chuyên ngành đào tạo và lĩnh vực nghiên cứu.

3.2. Phần 2: Các học phần ở trình độ tiến sĩ, các chuyên đề tiến sĩ và tiểu luận tổng quan

3.2.1. Các học phần ở trình độ tiến sĩ

Các học phần ở trình độ tiến sĩ giúp NCS cập nhật các kiến thức mới trong lĩnh vực chuyên môn; nâng cao trình độ lý thuyết, phương pháp luận nghiên cứu và khả năng ứng dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học quan trọng, thiết yếu của lĩnh vực nghiên cứu. Mỗi học phần được thiết kế với khối lượng 2 – 3 tín chỉ. Mỗi NCS phải hoàn thành 4 học phần với khối lượng 10 tín chỉ thuộc trình độ tiến sĩ. Các học phần ở trình độ tiến sĩ bao gồm các học phần bắt buộc và các học phần tự chọn sau:

  • Các học phần bắt buộc: là những học phần căn bản, liên quan đến những kiến thức cốt lõi ở mức độ cao của ngành và chuyên ngành, gồm 2 học phần với khối lượng 6 tín chỉ.
  • Các học phần lựa chọn: có nội dung chuyên sâu phù hợp với đề tài NCS hoặc hỗ trợ rèn luyện các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành, cách viết bài báo khoa học, gồm 2 học phần với khối lượng 4 tín chỉ.

3.2.2. Các chuyên đề tiến sĩ

Các chuyên đề tiến sĩ đòi hỏi NCS tự cập nhật kiến thức mới liên quan trực tiếp đến đề tài của NCS, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, giúp NCS giải quyết một số nội dung của đề tài luận án.

3.2.3. Bài tiểu luận tổng quan

Bài tiểu luận tổng quan về tình hình nghiên cứu và các vấn đề liên quan đến đề tài luận án đòi hỏi NCS thể hiện khả năng phân tích, đánh giá các công trình nghiên cứu đã có của các tác giả trong và ngoài nước liên quan mật thiết đến đề tài luận án, nêu những vấn đề còn tồn tại, chỉ ra những vấn đề mà luận án cần tập trung nghiên cứu giải quyết.

3.3. Phần 3: Nghiên cứu khoa học và luận án tiến sỹ

3.3.1. Nghiên cứu khoa học

  • Nghiên cứu khoa học là giai đoạn đặc thù, mang tính bắt buộc trong quá trình nghiên cứu thực hiện luận án tiến sĩ. Do tính chất của lĩnh vực nghiên cứu thuộc khoa học khoa học kỹ thuật, công nghệ mà yêu cầu các NCS phải thực hiện các đề tài nghiên cứu thực hiện các giải pháp công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất đặc biệt là lĩnh vực giao thông vận tải liên quan đến đề tài luận án, Các đề tài phải được điều tra, thực nghiệm để bổ sung các dữ liệu cần thiết, yêu cầu suy luận khoa học hoặc thiết kế giải pháp, thí nghiệm để từ đó nghiên cứu sinh đạt tới tri thức mới hoặc giải pháp mới. Đây là các cơ sở quan trọng nhất để nghiên cứu sinh viết luận án tiến sĩ.

3.3.2. Luận án tiến sĩ

Luận án tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu khoa học độc đáo, sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu, có đóng góp về mặt lý luận, chứa đựng những tri thức hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải quyết sáng tạo các vấn đề đang đặt ra với một ngành khoa học hoặc thực tiễn xã hội.