Ngày 23/2/2024, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và Siemens Industry Software Pte. Ltd. đã tổ chức phiên làm việc thống nhất kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác của hai bên được ký kết vào ngày 31/7/2023.
Trên nền tảng hợp tác xây dựng, lắp đặt và vận hành Phòng thí nghiệm công nghiệp 4.0 trị giá 5 triệu USD mà Siemens tài trợ cho UTH, hai bên thống nhất tiến tới thành lập Viện Đổi mới sáng tạo Siemens trực thuộc UTH nhằm trực tiếp khai thác phòng thí nghiệm này để tập trung đào tạo lĩnh vực mũi nhọn: Khoa học dữ liệu phục vụ chuyển đổi số toàn diện ngành giao thông vận tải.
Hai bên thảo luận chi tiết các nội dung hợp tác
Ông Võ Hồng Kỳ – Giám đốc Digital Industries Software Siemens Vietnam phát biểu: “Mặc dù là một tập đoàn đa quốc gia, đa lĩnh vực nhưng Siemens luôn luôn bám sát ba nền tảng cho hoạt động kỹ thuật, đó là: điện hóa, tự động hóa, số hóa.Đây chính là động lực cốt lõi cho triết lý phát triển của Siemens. Trong các buổi làm việc với UTH, chúng tôi nhận thấy sự tương đồng trong tư duy, hành động của UTH với chúng tôi. UTH đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhưng luôn bám sát với trọng tâm của ngành giao thông vận tải. Thành lập Viện đổi mới sáng tạo Siemens trực thuộc UTH là điều hoàn toàn phù hợp, trực tiếp phục vụ đào tạo các lĩnh vực mũi nhọn của UTH. Qua đó, trí tuệ của UTH cộng hưởng với công nghệ của Siemens góp phần thực hiện công cuộc cải cách và chuyển đổi số toàn diện ngành giao thông vận tải.”
Sự hợp tác sẽ được cụ thể hoá bằng việc thành lập Viện đổi mới sáng tạo phục vụ đào tạo lĩnh vực mũi nhọn
Tại buổi làm việc, PGS. TS. Nguyễn Xuân Phương – Hiệu trưởng UTH cho rằng, UTH nhận thấy sự quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển bền vững của giáo dục đại học. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cho cả một lộ trình đầu tư là việc khai thác và quản lý nguồn lực kỹ thuật. Bởi lẽ, công nghệ luôn thay đổi và phát triển như vũ bão, nếu như không hoạch định chính xác mục tiêu và định hướng giáo dục cốt lõi, hoạt động đầu tư cho khoa học công nghệ sẽ trở nên dàn trải, lãng phí và không hiệu quả. Vì vậy, UTH nhận thấy phải có một đơn vị chuyên trách là cầu nối giữa UTH và Siemens để kịp thời tiếp nhận công nghệ từ Siemens, qua đó liên tục đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Trong vai trò là người làm giáo dục, chúng tôi mang sứ mệnh không được tạo ra sự lãng phí cho xã hội. Do đó, UTH kỳ vọng Siemens sẽ đồng hành cùng Trường trong công cuộc đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững này.”
(Tin và ảnh: Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, UTH-TV)